Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
cac trang báo
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”
Ngày cập nhật 19/03/2020

Ngày 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các ban, bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhằm đánh giá tổng thể kết quả và tác động của Đề án sau 10 năm thực hiện. Tham gia tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết Chính phủ hiện tập trung chỉ đạo chống dịch Covid-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng.

“Chúng ta quyết ngăn chặn cho được đại dịch này. Đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vì dịch ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra, người đứng đầu Chính phủ càng nhấn mạnh thêm ý nghĩa của hội nghị này, đặc biệt về công tác bảo đảm an ninh lương thực - một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo đảm cuộc sống, nhu yếu phẩm cho người dân.

Về 10 năm thực hiện “Đề án an ninh lương thực”, Thủ tướng cho rằng nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực của nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện. Sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thế: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý điện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).

Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.

Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh (giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn). Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo...

Thủ tướng đề nghị thẳng thắn bàn về những tồn tại, khuyết điểm và phương hướng phát triển, trong đó, đề cập đến các yếu kém của nông nghiệp nói chung, của an ninh lương thực nói riêng.

Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu trong tốp đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia - mức trung bình. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn. Do đó, phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lương thực một cách hợp lý.

Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến về các biện pháp lớn, phạm vi quốc gia với tinh thần “bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng nhấn mạnh an ninh lương thực luôn luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Tại Thừa Thiên Huế, sau 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, sản xuất nông-lâm- ngư nghiệp trên địa bàn có những bước phát triển khá toàn diện, nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến khá rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; an ninh lương thực luôn đảm bảo; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc…

Những chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020, cụ thể tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008-2018 đạt trên 3,5%; sản lượng lương thực có hạt đạt 34,1 vạn tấn; sản lượng thóc đạt 33,4 vạn tấn. Diện tích trồng rừng hàng năm 5.670ha, độ che phủ rừng đạt 57,3%...

Trong đó, tổng diện tích cây lương thực có hạt toàn tỉnh năm 2019 đạt 56.448ha, tăng 4.043ha (tương đương 7,8%) so với năm 2008; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt 333 ngàn tấn, tăng 53 ngàn tấn (20%) so với năm 2008; năng suất bình quân đạt 61,1 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với năm 2019. Sản lượng rau, đậu các loại năm 2019 đạt 48.492 tấn, tăng 2.195 tấn so với năm 2008.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.217.538
Truy cập hiện tại 48