I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, huyện, xã; giải thích rõ về những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để Nhân dân hiểu, đồng tình, ủng hộ, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng chính trị, đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân.
- Thông qua đối thoại, phát hiện và có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân viên trong thực thi nhiệm vụ, công vụ mà Nhân dân phản ánh. Thực hiện tốt phương châm “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ”.
- Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, vấn đề bức xúc, nổi cộm mà Nhân dân quan tâm.
2. Yêu cầu
- Việc đối thoại phải tuân thủ các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Việc đối thoại được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, chân thành, đúng trọng tâm, trọng điểm với tinh thần xây dựng vì lợi ích chung; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
II. NỘI DUNG
1. Nội dung đối thoại
a. Thông báo khái quát cho Nhân dân biết về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và những vấn đề quan trọng của xã trong thời gian qua mà Nhân dân quan tâm hoặc một chuyên đề cụ thể.
b. Nhân dân phản ánh, góp ý, trao đổi, kiến nghị với Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã:
- Việc cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; Huyện uỷ, HĐND huyện, Đảng ủy, HĐND xã và các văn bản pháp luật, nhất là những văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của Nhân dân, trước khi các cơ quan có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đã ban hành; việc thực hiện cải cách hành chính; việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án, tranh chất đất đai trong Nhân dân nếu có.
- Công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức và nhân viên.
- Những vấn đề mà Nhân dân bức xúc, quan tâm.
c. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trực tiếp chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của Nhân dân tại buổi đối thoại hoặc chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân sau khi kết thúc đối thoại.
2. Đối tượng đối thoại
a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trực tiếp đối thoại với Nhân dân, trường hợp bận công tác đột xuất thì ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thực hiện.
b. Thành phần tham dự: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã khi được ủy quyền, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban ngành cấp xã có liên quan; các tổ chức, công dân có kiến nghị, phản ánh.
3. Chương trình đối thoại
a. Ổn định tổ chức, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, chương trình, nội quy của buổi đối thoại và thư ký ghi biên bản, do Văn phòng UBND xã thực hiện.
b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thông báo cho Nhân dân về những nội dung đối thoại, nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung chủ yếu của buổi đối thoại.
c. Nhân dân phát biểu ý kiến theo thứ tự, nội dung (được đăng ký với thư ký của buổi đối thoại), thời gian phát biểu theo quy định của buổi đối thoại.
d. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã giải trình, trao đổi, tiếp thu và trả lời các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân hoặc có thể giao cho các ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham dự đối thoại trực tiếp trả lời, trao đổi những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và kết luận buổi đối thoại.
4. Sau đối thoại
a. Chậm nhất là 10 ngày làm việc, Văn phòng UBND xã thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã về những vấn đề đối thoại để Nhân dân được biết.
b. Chậm nhất 20 ngày làm việc, kể từ khi có thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, các cơ quan, đơn vị, các ban ngành liên quan được giao trách nhiệm tham mưu giải quyết các ý kiến phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, phải có thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho Nhân dân (nếu có) và báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Trường hợp những vụ việc cần có thêm thời gian để xác minh làm rõ hoặc các nội dung giải quyết phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không quá 30 ngày làm việc cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải có văn bản trả lời cho Nhân dân, tổ chức, cá nhân có liên quan biết về nội dung, yêu cầu, thời gian, trách nhiệm giải quyết.
5. Thời gian và địa điểm
- Thời gian tổ chức: Năm 2019.
- Địa điểm: Do Văn phòng UBND xã bố trí hoặc theo đề nghị các đơn vị, các thôn có liên quan bố trí, đảm bảo phù hợp cho việc đối thoại, sau khi đã thống nhất về thời gian, nội dung, thành phần tham gia đối thoại.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Giao Văn phòng UBND xã, phối hợp với các ban ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung, công việc sau:
1. Xây dựng kế hoạch phân công lãnh đạo UBND xã trực tiếp tham gia đối thoại đột xuất và định kỳ trong năm.
2. Rà soát, thống kê, lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm của Nhân dân, nhất là những vấn đề đã được Nhân dân kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm để chuẩn bị nội dung đối thoại.
3. Lựa chọn thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại cho phù hợp với các hình thức phát huy dân chủ của Nhân dân và tình hình, đặc điểm của đơn vị, thôn.
4. Tham mưu mời các thành phần và đại diện Nhân dân tham gia đối thoại.