Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
cac trang báo
Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”
Ngày cập nhật 20/05/2020

PHẤN THỨ NHẤT

KẾT QUẢ 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 43

 

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Tình hình chung

Quảng Phước là xã đồng bằng chiêm trũng nằm cuối Hạ lưu sông Bồ ven phá Tam Giang, cách trung tâm huyện Quảng Điền 2 km về phía Bắc, cách thành phố Huế 18 km về phía Nam. Toàn xã có 06 thôn, gồm 2.107 hộ với 8.612 khẩu, tổng diện tích đất tự nhiên: 1.267,25 ha, diện tích đất nông nghiệp: 532,26 ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa: 364,7 ha. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 12%, bình quân thu nhập đầu người 34,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới giảm còn 2,5%; các hoạt động phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng vững mạnh; các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò vận động quần chúng nhân dân và thu hút đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hiện nay đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2019.

       2. Tình hình hoạt động của Hội chữ thập đỏ

      - Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Phước được thành lập vào năm 1997 trải qua 23 năm hình thành và phát triển, Hội thực hiện tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ trong công tác vận động các cá nhân, tổ chức cùng tham gia các phong trào tương thân, tương ái, hoạt động nhân đạo phát triển, nâng cao tình nhân ái, phục vụ đời sống, sức khoẻ nhân dân trong đó ưu tiên những người có hoàn cảnh khó khăn nhất.

      - Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tình nguyện viên Chữ thập đỏ và các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo của Hội, các chương trình nhân đạo xã hội của Nhà nước, trong các lĩnh vực: cứu trợ nhân đạo, phòng ngừa và ứng phó thảm hoạ: chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân thiên tai, những người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa; giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn vươn lên hoà nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo; tham gia phong trào vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ môi trường; phòng chống dịch và các tệ nạn xã hội.

       - Xây dựng Hội vững mạnh, phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ địa phương.

        - Hoạt động chung của Hội chữ thập đỏ mang tính chất nhân đạo, từ thiện kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài địa phương đầu tư các chương trình, dự án phát triển sinh kế giúp đỡ người khó khăn xóa đói, giảm nghèo bền vững vươn lên trong cuộc sống và một số hoạt động nhân đạo khác góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra.

       II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHỈ THỊ 43

       1. Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 43.

       Quán triệt Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “ Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới”. Ban thường vụ Đảng ủy xã đã kịp thời ban hành Công văn chỉ đạo UBND, UBMTTQVN xã Mặt trận và các đoàn thể xã tổ chức quán triệt Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến tận cán bộ, đảng viên, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ xã bằng nhiều hình thức triển khai thực hiện hiệu quả trong toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên. Nhìn chung, công tác triển khai học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị được tiến hành nghiêm túc, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm của Đảng đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ; tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Chữ thập đỏ từ xã đến thôn đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương trong thời gian qua.

       2. Kết quả công tác chỉ đạo việc cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 43

Căn cứ Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, XII nhiệm kỳ 2010 -2015, nhiệm kỳ 2015-2020. UBND xã đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo Hội chữ thập đỏ xã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phong trào Hội và công tác nhân đạo, từ thiện gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra.

 

       III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA CHỈ THỊ 43

       1.Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền đối với công tác nhân đạo và hoạt động của hội CTĐ

       1.1. Công tác lãnh đạo của Đảng ủy

       Đảng ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức và định hướng hoạt của Hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị, tham gia góp ý xây dựng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề phát triển chung của huyện, xã trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đã chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đổi mới nội dung, phương thức, thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của địa phương.

      Việc chỉ đạo củng cố, kiện toàn BCH Hội chữ đỏ xã qua các giai đoạn được đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo quy định, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có năng lực vận động quần chúng làm công tác hội chữ thập đỏ; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ phụ cấp, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với người hoạt động không chuyên trách đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội theo quy định. 

       Để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác nhân đạo của Hội, Đảng ủy thường xuyên xây dựng kế hoạch chỉ đạo Hội phát huy vai trò trách nhiệm để xây dựng kế hoạch của Hội cụ thể theo từng năm từng giai đoạn để hoạt động có hiệu quả.

       1.2. Trách nhiệm của chính quyền

       - Thực hiện Luật hoạt động Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Quyết định số 68/2010-QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về hoạt động của Hội chữ thập đỏ cơ sở. UBND xã đã tạo điều kiện cho hội phối hợp với các chương trình, dự án mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phòng, chống thiên tai, kỹ năng tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức về ý nghĩa của hoạt động hội, bên cạnh đó qua các lần đại hội hết nhiệm kỳ, tổng kết công tác hội hàng năm đã kịp thời biểu dương, khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác nhân đạo, qua đó đã khích lệ tinh thần cán bộ, hội viên thúc đẩy mạnh mẽ phong trào nhân đạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

       - Các Hội đoàn thể từ xã đến thôn đã tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; quan tâm, tạo điều kiện về vật chất, lẫn tinh thần để Hội hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, cơ cấu nhân sự Hội gồm Ban Thường vu 05 đồng chí, Ban kiểm tra 3 đồng chí, Ủy viên Ban chấp hành 19 đồng chí. Hiện nay có 6/6 chi hội thôn với tổng số 70 hội viên và 15 tình nguyện viên.

       - Duy trì chế độ làm việc định kỳ với lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện về mọi mặt để hội hoạt động, từ đó công tác quản lý nhà nước đối với Hội có chuyển biến rõ nét hơn.

       4.2. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập xã.

       - Công tác xã hội nhân đạo được thể hiện bằng phong trào tương thân, tương ái sâu rộng ở thôn, chú trọng hoạt động trợ giúp nhân đạo mang tính phát triển bền vững thông qua các mô hình: “Đền ơn đáp nghĩa”,“Tết vì người nghèo”,“Tháng hành động vì nạn nhân da cam/dioxin”,“Nhà tình thương, nhà tình nghĩa”;...đã trợ giúp thiết thực cho những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, các đối tượng bị hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh gây ra...Tổng nguồn quỹ huy động trong 10 năm giai đoạn (2010-2020) trên 1,4 tỷ đồng để thực hiện việc cứu trợ và trợ giúp nhân đạo cho hơn 3.000 lượt hộ gia đình. Trong đó, phong trào“Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” tặng 3.000 suất quà cho hộ nghèo, bệnh hiểm nghèo, nạn nhân chất độc da cam và các gia đình bị ảnh hưởng thiên tai bão, lụt hàng năm với tổng số kinh phí 900 triệu đồng; phối hợp với Mặt trân và các đoàn thể xã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm cho hộ nghèo với tổng số 16 ngôi nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí 560 triệu đồng; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Thông qua các tổ chức, cá nhân hảo tâm hội đã kêu gọi và thành lập 5 địa chỉ nhân đạo để trợ giúp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tổng giá trị hơn 10 triệu đồng, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội của xã. Hiện nay còn duy trì 2 địa chỉ nhân đạo do nguồn quỹ ủng hộ hàng tháng của cán bộ cơ quan xã. 

       - Hội thường xuyên làm tốt công tác xây dựng quỹ hoạt động hội, hàng năm Hội đã phối hợp với xã Đoàn và Bộ phân Văn hóa -Thông tin tham mưu UBND xã phát hành 5.000 vé số với trị giá 25 triệu đồng để xây dựng quỹ hoạt động hội và qua đó lòng ghép tổ chức hoạt động Văn nghệ “Mừng Đảng Mừng Xuân” đầu năm mới, kết hợp chương trình xổ số xây dựng quỹ hoạt động.

       - Công tác hiến máu nhân đạo thường xuyên được Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện xã thực hiện đúng quy chế, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, tình nguyện viên sẵn sàng hiến máu, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hiến máu nhân đạo với đơn vị máu ngày càng lớn, trở thành hoạt động thường kỳ hàng năm; vì vậy, công tác này đã trở thành một nghĩa cử cao đẹp và ngày càng thu hút đông đảo mọi người tham gia. Trong 10 năm qua đã vận động hơn 485 lượt người tham gia hiến máu. Trong đó có nhiều cán bộ, đoàn viên, hội viên đã tình nguyện hiến máu trên 15 lần là tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện để mọi người noi theo.

       -  Công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo thường xuyên được quan tâm hơn, Hội đã phối hợp với đoàn y bác sỹ bệnh viên Trung ương Huế và Công an tỉnh tổ chức khám sức khỏe, khám mắt cho người nghèo với tổng số 500 lượt người giá trị kinh phí 25 triệu đồng.   

       - Công tác phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ thiên tai đã được Hội Chữ thập đỏ chú trọng và xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, ­ưu tiên hàng đầu nên Hội đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài hệ thống ban ngành, đoàn thể xã, tranh thủ các chương trình dự án để tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, huấn luyện lực lượng cứu hộ, cứu nạn, hướng dẫn phòng tránh cho hộ gia đình, giúp địa phương xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao khả năng tự phòng ngừa, ứng phó thảm họa của cộng đồng dân cư ở các địa bàn trọng điểm. Trong 10 năm, Hội đã phối hợp với các tổ chức triển khai nhiều hoạt động như: tập huấn, hội thi về phòng ngừa thảm hoạ thiên tai nhằm nâng cao nhận thức và quản lý rũi ro thảm họa dựa vào cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ là thành viên của Ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn xã, nên Hội luôn phối hợp với các ban ngành liên quan trong hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm hoạ, thông qua việc phối hợp diễn tập phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hàng năm trên địa bàn xã để củng cố kiến thức, kỹ năng, Hội Chữ thập đỏ cùng với các tổ xung kích luôn kịp thời có mặt tại địa bàn bị thiên tai để giúp dân phòng chống bão, lụt, tham gia di dời dân, sơ cấp cứu người bị nạn. Kết quả các hoạt động trên góp phần củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của Hội Chữ thập đỏ trong nhân dân.

       4.3. Quan hệ hợp tác tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng. 

       - Hội Chữ thập đỏ xã đã triển khai tốt chương trình phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã, các ban ngành, đoàn thể để thực hiện các hoạt động Chữ thập đỏ như các hoạt động cứu trợ, các chương trình phòng ngừa thảm hoạ, nhất là các hoạt động tình nguyện.

       - Trong hoạt động đối ngoại nhân dân, Hội đã có những hoạt động hiệu quả, thu hút được các chương trình, dự án của các tổ chức phi Chính phủ. Năm 2013 được sự quan tâm của hiệp Hội Bretange - Pháp thông qua Sở ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội chữ thập đỏ huyện Quảng Điền, Hội đã tiếp nhận kinh phí 80 triệu đồng của dự án vốn vay khuyến khích tự lập cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã được vay vốn phát triển sinh kế với lãi suất thấp 0,5%/tháng, nguồn vốn được thực hiện xoay vòng luân phiên theo từng giai đoạn để mọi hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững. Ngoài việc tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ thông qua huyện Hội để kêu gọi các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương để hỗ trợ cho nhựng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt như tổ chức thiện nguyện ở Huế thông qua Cô Minh Hương đã hỗ trợ 30kg gạo hàng tháng cho 30 hộ nghèo của xã. Từ những kết quả hoạt động trên của Hội chữ thập đỏ xã đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta và phát huy được truyền thống nhân ái của dân tộc, của quê hương, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động xã hội, nhân đạo, tự nguyện vì cộng đồng.

        2. Về công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Hội

        2.1. Kết quả công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hộiHoH

       Trong 10 năm qua, Hội đã tập trung tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức Hội; công tác bố trí, đào tạo, bồi dưỡng người trực tiếp phụ trách công tác Hội được quan tâm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có phẩm chất đạo đức, tâm huyết, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác nhân đạo trong tình hình mới. Đến nay, 6/6 thôn đã thành lập tổ chức hội đạt 100%. Hội có 70 hội viên, 15 tình nguyện viên tham gia hoạt động hội.

       2.2. Đổi mới nội dung, phương thức và phương thức hoạt động của Hội

       Hội Chữ thập đỏ đã làm tốt công tác chính sách xã Hội theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của huyện, xã, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình công tác xã hội nhân đạo trong hệ thống tổ chức hội nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hội Chữ thập đỏ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát các nguyên tắc của phong trào Chữ thập đỏ, từng bước đổi mới phương thức hoạt động từ tiếp cận đối tượng đến gắn kết đối tượng. Các phong trào, các cuộc vận động được Hội triển khai đạt kết quả thiết thực, có chiều sâu, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các hoạt động nhân đạo, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, tinh thần nhân đạo, cử chỉ nhân văn sâu sắc, sự cảm thông, chia sẻ đối với những hoàn cảnh khó khăn của các đối tượng trong cuộc sống, giúp họ vươn lên hòa nhập cuộc sống với cộng đồng.

        IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG, ƯU ĐIỂM, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

        1. Đánh giá chung

Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 43- CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND huyện, Huyện Hội, đến nay Hội chữ thập đỏ xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nhân đạo và công tác Chữ thập đỏ. Từng bước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tham mưu tốt cho Đảng ủy, UBND xã thực hiện công tác nhân đạo, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng xã chuẩn đạt Nông thôn mới vào đầu năm 2019.

         2. Ưu điểm và nguyên nhân

- Cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội xã quan tâm đến hoạt động phong trào của Hội; tạo điều kiện thuận lợi để hội được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ giúp hội hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các phong trào do hội phát động; khơi dậy và phát huy truyền thống nhân đạo, tương thân, tương ái và tính nhân văn, góp phần giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

        - Công tác tổ chức hội và hội viên không ngừng phát triển, hội được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào hoạt động của hội được tổ chức đều khắp ở địa bàn dân cư, bám sát thực tiễn của hội viên, nhân dân với phương châm hành động “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện”.

        - Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban ngành đối với Hội Chữ thập đỏ được cụ thể, đa dạng và thiết thực hơn, tạo được nhiều phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tổ chức Hội Chữ thập đỏ trong công tác nhân đạo, từ thiện.

         3. Hạn chế và nguyên nhân

         a. Khó khăn, hạn chế

       - Việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW đến các cấp ủy, chi bộ còn chậm, thiếu đôn đốc, kiểm tra. Trách nhiệm của chính quyền trong hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động cho Hội Chữ thập đỏ có lúc chưa kịp thời; việc bố trí kinh phí hoạt động của Hội còn hạn chế; sự phối hợp giữa MTTQ, các ban ngành, đoàn thể đối với Hội Chữ thập đỏ có lúc chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến kết quả phong trào chung của Hội.

       - Một số chi ủy, chi bộ, Ban cán sự chưa thực sự quan tâm đến hoạt động công tác Hội chữ thập đỏ; việc tổ chức sinh hoạt của Hội và công tác phát triển hội viên mới còn hạn chế; công tác xây dựng quỹ phục vụ hoạt động nhân đạo tại Hội còn gặp nhiều khó khăn; việc thành lập thêm địa chỉ nhân đạo giúp đỡ người khó khăn còn hạn chế; các chi Hội trường học chuyển sang hoạt động trực thuộc ngành giáo dục nên phong trào chung Hội xã có phần hạn chế.

      - Chất lượng hoạt động của Hội chưa đều, các chi hội ở thôn chỉ bố trí trưởng thôn đương nhiệm kiêm chi hội trưởng để điều hành mọi hoạt động phong trào công tác hội chữ thập đỏ; công tác vận động hiến máu tình nguyện ở một số chi hội ngày mỗi khó khăn và không đạt chỉ tiêu đề ra.

       - Mức phụ cấp kinh phí hỗ trợ đối với cán bộ chuyên trách còn hạn chế nên chưa yên tâm công tác.

       b. Nguyên nhân

       - Một số Cấp ủy, chi bộ thiếu sự quan tâm lãnh chỉ đạo về hoạt động của chi hội chữ thập đỏ thôn nên chưa phát huy được sức mạnh của tổ chức Hội và hội viên.

       - Đội ngũ cán bộ Hội, nhất là các chi hội thôn không được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nên việc tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện các phong trào nhân đạo còn gặp nhiều khó khăn; quỹ hoạt động của các chi hội đa số không có.

- Nội dung, phương thức hoạt động của một số chi Hội thôn chậm đổi mới, nên chưa tạo được những động lực để thu hút, gắn bó hội viên.

- Vai trò tham mưu của Hội trong việc thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ có lúc thiếu kịp thời, chưa nhân rộng những mô hình, điển hình mới, hiệu quả; chưa động viên, khen thưởng, biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo, từ thiện. Đội ngũ cán bộ phụ trách hội thường xuyên thay đổi nên có phần ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt phong trào nhân đạo từ thiện của hội.

        4. Bài học kinh nghiệm

         Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, quan tâm của UBND xã, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội xã là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ.

        Hai là, phải thường xuyên củng cố, phát triển tổ chức Hội, nhất là chi hội thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác nhân đạo trong tình hình mới. Phát huy vai trò chủ động tham mưu của cán bộ Hội, gắn với công tác bố trí, đào tạo đảm bảo tính kế thừa; thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Hội, nhất là ở thôn. Hội Chữ thập đỏ cần chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền và phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể xã trong công tác nhân đạo.

        Ba là, thường xuyên quán triệt, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư gắn với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, hội viên và đảm bảo các điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất để Hội hoàn thành nhiệm vụ công tác nhân đạo trong tình hình mới; xây dựng quỹ nhân đạo của Hội là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện cho Hội có khả năng thực hiện các hoạt động xã hội, kịp thời, chủ động và thiết thực, tạo lòng tin trong Nhân dân.

        Bốn là, trong tổ chức các phong trào phải coi trọng công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo cả chiều sâu, lẫn chiều rộng. Chú trọng việc xây dựng, đúc kết, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, có hiệu quả, biểu dương, khen thưởng kịp thời; biết khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, của hội, sự nhiệt tình của cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân, đó là yếu tố quan trọng để phong trào hội phát triển bền vững.

 

PHẦN THỨ HAI

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÓ

HIỆU QUẢ CHỈ THỊ 43 TRONG THỜI GIAN TỚI

 

  1. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

       1. Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội chữ thập đỏ Việt Nam” ; Chỉ thị số 18/CT -TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “ Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới”; Luật hoạt động Chữ thập đỏ và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và trách nhiệm đối với công tác Hội Chữ thập đỏ; xác định công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

       2. UBND xã tiếp tục chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật hoạt động chữ thập đỏ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; đồng thời, quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, huy động, kêu gọi các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn địa phương và các chính sách đối với cán bộ, hội viên; thường xuyên tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo, từ thiện gắn với việc“Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị  số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội, nhất là ở thôn

       3. Hội Chữ thập đỏ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Luật hoạt động Chữ Thập Đỏ xác định:“Hoạt động Chữ Thập Đỏ là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội Chữ Thập Đỏ chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức khác thực hiện” do đó cần phải thiết thực, sát thôn, gần với hội viên; xác định rõ từng địa chỉ nhân đạo để có kế hoạch vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thực hiện, xây dựng các mô hình điển hình về hoạt động nhân đạo, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt để xã hội tôn vinh. Duy trì và phát triển mạnh các hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua như phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, phong trào “Hiến máu tình nguyện”; công tác phòng ngừa ứng phó thảm họa, thiên tai; đẩy mạnh việc gắn kết các hoạt động nhân đạo với các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật hoạt động Chữ thập đỏ, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; phát huy quyền làm chủ trực tiếp của cán bộ, hội viên. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội theo Điều lệ hội, nâng cao hiệu quả phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức phi Chính phủ trong các hoạt động nhân đạo.

       4. Thường xuyên quan tâm việc xây dựng, kiện toàn, củng cố, tổ chức Hội và phát triển hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên Chữ thập đỏ trong các cơ quan, trường học, cộng đồng dân cư...; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; xây dựng tổ chức Hội từ xã đến thôn vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác nhân đạo trong tình hình mới; xây dựng kế hoạch chuẩn bị đại hội Hội chữ thập đỏ xã nhiệm kỳ 2021-2026.

       5. Hội Chữ thập đỏ xã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã những chủ trương, giải pháp về công tác nhân đạo và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ở địa phương; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể tham gia xây dựng các chủ trương, dự án vì mục tiêu nhân đạo, từ thiện góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hội phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã và Hội cấp trên để xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp với thực tiễn tại địa phương; thực hiện tốt các chương trình phối hợp hoạt động tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ.

      5. Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức hội, phát triển hội viên và người tình nguyện chữ thập đỏ rộng khắp ở địa phương; xây dựng tổ chức hội từ xã đến thôn vững mạnh; tiếp tục quan tâm bồi dưỡng cán bộ hội đảm bảo đủ sức làm nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo xã hội, từ thiện; thường xuyên chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, các đối tác trong và ngoài địa phương hỗ trợ cho các hoạt động và phong trào của hội.      

6. Tổ chức tốt các hoạt động từ thiện xã hội, chăm lo các đối tượng xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động về ứng phó với các tình huống khẩn cấp, phòng chống thiên tai; triển khai đều khắp các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng, vận động hiến máu nhân đạo và các nguồn quỹ hội để chăm lo cho các đối tượng; thực hiện tốt quyền dân chủ đại diện, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của cán bộ, hội viên. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội theo Điều lệ Hội, Luật hoạt động Chữ thập đỏ, nâng cao hiệu quả phối hợp với Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tếvà các tổ chức, cá nhânhảo tâm trong các hoạt động nhân đạo.

       II. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

       1. Đề nghị Huyện ủy, UBND huyện và Hội cấp trên quan tâm kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư sinh kế để Hội Chữ Thập Đỏ xã thực hiện tốt hơn vai trò của mình nhằm hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và phòng ngừa thảm họa, thiên tai.

       2. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệm vụ công tác Hội cho các đối tượng là tình nguyện viên và chi hội trưởng hội chữ thập đỏ ở thôn.

       3. Thông qua các nguồn vốn có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các hội viên và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững vươn lên trong cuộc sống.

       4. Đề nghị cấp trên cần quan tâm hơn về chế độ chính sách cho cán bộ phụ trách công tác hội Chữ thập đỏ xã.

Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 853.435
Truy cập hiện tại 333